Tầm quan trọng của nhịp điệu trong đời sống trẻ nhỏ

Món quà quý báu nhất cho trẻ nhỏ là một đời sống có nhịp điệu, dù ở nhà hay ở trường.

 

Là con người, ta hàng ngày trải nghiệm những chu kỳ của thế giới thiên nhiên. Thay đổi mùa màng, sự tuần hoàn của đời sống sinh tử, hơi thở tiếp tục không ngừng, là biểu hiện của những chu kỳ thiên nhiên. Qua những chu kỳ này con người đã tiến hoá, trở thành mẫu người lành mạnh hoàn hảo ngày nay.

 

Đối với trẻ nhỏ, trải nghiệm đầu tiên về nhịp điệu nằm trong lãnh vực ngủ và ăn, lặp đi lặp lại suốt thời gian lớn lên. Trẻ phát triển lành mạnh, hạnh phúc, tự tin và tin tưởng vào môi trường xung quanh nhờ kinh nghiệm nhất quán này. Tính nhất quán của đời sống có nhịp điệu giúp trẻ cảm thấy an bình và tích cực về con người mình.

 

Cuộc đời hiện đại gây rất nhiều trở ngại cho lối sống nhịp điệu. Cha mẹ đi làm; trẻ nhỏ phải ở trường, tại nhà giữ trẻ, hoặc tham gia vào những chương trình sau giờ học, từ chín tới mười tiếng đồng hồ mỗi ngày. Phụ huynh không có thì giờ nấu cơm, bữa ăn bao giờ cũng vội vã, và ai nấy dành quá nhiều thì giờ xem TV hay dùng các máy ‘bấm nút’ khác. Cuộc sống thường là bận rộn, hỗn loạn. Tuy nhiên ta không nên mất hy vọng: mang nhịp điệu vào đời sống cho chính mình và con mình giản dị hơn ta tưởng nhiều.

 

Hãy nhắm chừng vào một giờ hay một phần của ngày – sáng, chiều hay tối. Bắt đầu bằng đem nhịp điệu vào một sinh hoạt mà thôi rồi tăng thêm sau khi đã thành công.  Ví dụ, buổi sáng đánh thức con bằng một bài hát. Dậy sớm hơn thường lệ và dành thời gian đó cho con. Tạo mỗi ngày thành một ngày đặc biệt với món ăn sáng riêng: bánh mì Thứ hai, cháo Thứ ba, trứng và bánh mì nướng Thứ tư, v.v. Nói chuyện với bé về những việc sẽ xẩy ra trong ngày.

 

Buổi chiều, thay vì bật TV khi vừa về đến nhà, khuyến khích bé ra ngoài sân chơi. Chia sẻ bữa ăn xế. Giúp bé nghĩ ra trò chơi. Đi dạo với bé. Cùng nhau thư giãn. Nghỉ ngơi yên tĩnh. Nếu cần làm việc nhà, có thể làm cùng với con. Bé có thể rửa rau, cắt quả hay đặt bàn ăn. Khi nấu ăn xong, thắp nến rồi cùng hát hoặc nói một bài xướng. Dưới đây là bài xướng trước giờ ăn mà các cô giáo mầm non Steiner tại Việt Nam thường ưa thích:

 

Mong cho cây lúa an bình,

Mong cho gốc rễ mạnh,

Mong cho hoa lá luôn tốt tươi,

Mong cho trái cây ngon ngọt.

 

Vào buổi tối, tạo ra một thói quen hàng ngày cho giờ đi ngủ. Thắp nến và kể chuyện cho bé nghe. Kể hay đọc chuyện là một cách tuyệt vời để đưa trẻ vào thế giới mơ mộng. Nội dung câu chuyện sẽ nuôi dưỡng trẻ về mọi phương diện. Thủ thỉ nói chuyện với con, rồi cùng nhau hát nhỏ nhẹ. Đi ngủ đúng giờ và ngủ đầy đủ là một nhu cầu quan trọng của tuổi thơ. Thông qua nhịp điệu và sự lặp đi lặp lại, bạn có thể mang nghi lễ vào đời sống của cả gia đình để nuôi dưỡng con cái và bản thân mình.

 

Nhiệm vụ chính của giáo viên mầm non là tạo một nhịp điệu lành mạnh cho đời sống hàng ngày của các em. Chương trình lớp mầm non dao động giữa nhịp điệu hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và tuỳ mùa. Trẻ em trải nghiệm nhịp điệu qua sinh hoạt mùa màng, ăn mừng lễ hội, và luân chuyển tuần hoàn giữa thời gian yên tĩnh và hoạt động tích cực. Nhịp điệu của ngày hỗ trợ trẻ thở – thở vào, thở ra – tạo nên quân bình trong môi trường. Nhịp điệu này cần được nhất quán, mỗi sinh hoạt tuân theo thứ tự của ngày hôm trước. Trẻ cảm thấy an tâm nhờ tính nhất quán, và lớp mầm non trở nên một nơi an toàn, vì trẻ biết trước mọi việc sẽ xẩy ra và biết cô giáo muốn mình làm gì.

 

Điểm hay nhất của nhịp điệu thường biểu lộ trong hành vi của trẻ. Sau giờ chơi buổi sáng, bàn ghế được lau sạch và sửa soạn cho bữa ăn xế. Trông thấy cô giáo làm việc này trẻ biết ngay là đến giờ ngừng chơi và dọn dẹp phòng lớp. Khi đồ chơi đã được cất trên kệ, các em tự ngồi vào vòng tròn trên sàn. Cô nói rất ít; hành động của cô nói to hơn. Khi bài hát và di động của sinh hoạt vòng tròn chấm dứt, trẻ biết là đến giờ đi rửa tay. Giáo viên nhìn các em và nhẹ nhàng gật đầu. Các em biết là đã đến lúc phải làm gì.

 

Nhịp điệu mang sự yên bình vào phòng học. Thời gian chung sống trong lớp trở thành một nguồn vui, không xáo trộn. Cảm giác an toàn giúp trẻ bạo dạn khám phá môi trường xung quanh, tận dụng trí tưởng tượng của mình, và nhờ đó kinh nghiệm được một tuổi thơ lành mạnh đúng nghĩa.

 

 

Thanh Cherry

 

Lược dịch bài:

The Importance of Rhythm in the Life of the Young child

by Amber Rosean

 

Đề xuất Sách đọc thêm:

 

Serving Fire, by Anne Scott, Celestial Arts, 1994.

 

You Are Your Child’s First Teacher, by Rahima Baldwin, Celestial Arts, 1989.

 

thanh cherry

Thanh Cherry

Chủ tịch SWAVN

Thạc sĩ Giáo dục Mầm non tại Đại học Western Sydney, Úc

Hơn 40 năm kinh nghiệm trong giáo dục mầm non Steiner – Waldorf.

Từng làm Tổng  điều phối cho Chương trình Đào tạo và Cố vấn chuyên môn Giáo viên Mầm non tại Trung Quốc (WECC), và hiện đang là Cố vấn tổng quát cho WECC

Cố vấn tổng quát cho các khóa đào tạo và cố vấn chuyên môn Giáo viên tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay.