Triết lý giáo dục Steiner

Triết lý giáo dục của Steiner trái ngược với hệ thống giáo dục công của nước Đức đầu thế kỷ 20 vốn lấy giáo viên làm trung tâm và chỉ tập trung vào môn đọc viết, làm toán, lịch sử nước Đức và tôn giáo. Steiner cũng chỉ ra vấn đề trong tính độc quyền của hệ thống nhà nước Đức; tính độc quyền này cho phép chỉ một số nhỏ học sinh tiếp tục học hết bậc tiểu học 8 năm trong nhà trường. Trái lại, Steiner tìm ra phương pháp sư phạm nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ, tránh chỉ tập trung vào trí năng. Ông muốn trường học của mình mở rộng cho tất cả trẻ em, nam và nữ học chung, và có 12 cấp lớp. Steiner cũng đề xuất giáo viên là những người quản lý chính của ngôi trường, và đó là truyền thống đã được thực hiện ở ngôi trường đầu tiên vào năm 1919.

 

Steiner đặc biệt quan tâm đến đưa ra những hoạt động và chương trình trong nhà trường phù hợp với khuynh hướng học hỏi của trẻ trong từng giai đoạn phát triển. Ông cho rằng quá trình phát triển của trẻ trải qua ba giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, từ lúc sinh đến 6,7 tuổi, trẻ học qua bắt chước, sự thấu cảm và trải nghiệm, và ông lập luận rằng chương trình cho giai đoạn mầm non nên cho trẻ được làm những việc trong cuộc sống hàng ngày như nấu nướng, giặt giũ, lau dọn…, được nuôi dưỡng tình cảm qua nghệ thuật và được kích thích óc tưởng tượng trong qua chơi tự do sáng tạo. Giai đoạn hai, từ khoảng 7 đến 12, 13 tuổi được đánh dấu bằng nhu cầu học tập của trẻ qua nhịp điệu và hình ảnh. Vì vậy, trong giai đoạn này trẻ học qua các yếu tố nghệ thuật, học qua vận động, âm nhạc… và cũng là lúc được giới thiệu đến với ngoại ngữ. Học đọc bắt đầu lúc 7 tuổi; mặc dù chương trình dạy đọc viết của các trường Waldorf bị một số nhà giáo dục phê bình vì bắt đầu trễ, nhưng Steiner đưa ra một định nghĩa rộng lớn về việc đọc viết không chỉ đơn thuần là đọc và viết mà những trải nghiệm trong âm nhạc, nghệ thuật và nhảy múa… cho phép ngôn ngữ được tiếp cận và thấm đẫm vào con người trẻ. Trong giai đoạn thứ ba của quá trình phát triển, trẻ bước vào tuổi dậy thì và chương trình học tại các trường Wadorf được thiết kế để phát triển khả năng tư duy trừu tượng, óc phán đoán, nhận định đúng sai và trách nhiệm xã hội. Giai đoạn này tập trung và những môn học hàn lâm và giáo viên phải thực sự là chuyên gia trong bộ môn của mình.

 

Rudolf Steiner

Sinh năm 1861 và mất năm 1925. Ông là một nhà triết học người Áo, nhà tư tưởng, nhà khoa học, nhà giáo và đặc biệt là cha đẻ của Khoa học Tâm linh Anthroposophy.

Tuổi thơ của ông dành trọn ở một vùng quê nước Áo, có người mẹ làm nội trợ và bố là quản lý ở một trạm tàu lửa. Thuở nhỏ, ông theo chân bố khắp nơi vì được truyền niềm say mê và yêu thích công việc vận hành tàu lửa. Khi Steiner lớn lên, bố của ông nhận thấy con mình có nhiều tài năng đặc biệt và gửi con đến học trường cấp 3 Realschule ở Wiener Neustadt, sau đó học tiếp lên Đại Học Kỹ Thuật ở Vienna. Ở đây, Steiner tỏ ra mình là một học sinh xuất sắc, luôn được nhận học bổng. Ông làm gia sư để chi trả các chi phí khác trong cuộc sống.

Môi trường đại học giúp ông có cơ hội tìm tòi và nghiên cứu những môn học và ngành mình yêu thích, đặc biệt là triết học. Ông được đề bạt là người biên soạn các công trình nghiên cứu khoa học của triết gia nổi tiếng Goethe từ năm 1889 đến 1896.

Năm 1913 tại Dornach, Thuỵ Sĩ, Steiner đã xây dựng toà nhà Goetheanum và định hình nó là “trường dạy khoa học tâm linh”. Sau khi toà nhà bị thiêu rụi vào năm 1922, nó được xây lại bằng bê tông và ngày nay là trụ sở của Anthroposophical Society (Hội Anthroposophy) vốn đã được thành lập trước đó vào năm 1912. Hiện nay Anthroposophical Society có các chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới.

Những dự án khác có được từ các công trình của Steiner bao gồm những cộng đồng dành cho người khuyết tật; một trung tâm chữa lành tại Arlesheim, Thuỵ Sĩ; các trung tâm nghiên cứu toán học và khoa học; và các trường dạy kịch nghệ, ngôn ngữ, vẽ màu nước và điêu khắc. Một trong những quyển sách nổi bật của Steiner là The Philosophy of Spiritual Activity (1894), Occult Science: An Outline (1913), và Story of My Life (1924).

Trường Waldorf đầu tiên

Năm 1918, sau thế chiến thứ nhất, Emil Molt, chủ nhà máy thuốc lá Waldorf, Stuttgart, Đức gặp Steiner và thỉnh cầu ông lập ra ngôi trường dành cho con em của công nhân trong nhà máy. Steiner ngay lập tức hưởng ứng. Trong vòng chưa đầy một năm để chuẩn bị cho ngôi trường và vào năm 1919, ông thành lập nhóm giáo viên, tập trung đào tạo, nghiên cứu khung chương trình, nghiệp vụ sư phạm, các vấn đề hành chính và quản lý trường… Sự hình thành ngôi trường Waldorf đầu tiên đã phát động phong trào giáo dục Steiner/ Waldorf, để sau đó lan khắp nước Đức và các nước khác trên thế giới.

thanh cherry

Thanh Cherry

Chủ tịch SWAVN

Thạc sĩ Giáo dục Mầm non tại Đại học Western Sydney, Úc

Hơn 40 năm kinh nghiệm trong giáo dục mầm non Steiner – Waldorf.

Từng làm Tổng  điều phối cho Chương trình Đào tạo và Cố vấn chuyên môn Giáo viên Mầm non tại Trung Quốc (WECC), và hiện đang là Cố vấn tổng quát cho WECC

Cố vấn tổng quát cho các khóa đào tạo và cố vấn chuyên môn Giáo viên tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay.