Kỷ luật ở nhà và ở lớp cho trẻ bậc tiểu học trong giáo dục Steiner

Nếu giáo dục phổ quát chỉ chú trọng vào kiến thức và tư duy logic thì giáo dục Steiner/Waldorf nhấn mạnh tầm quan trọng của ba yếu tố: Suy nghĩ – Cảm xúc – Ý chí cá nhân. Nếu giáo dục phổ quát dùng hình thức cạnh tranh, thi đua, thưởng phạt để thúc đẩy việc học tập của học sinh thì động lực học tập trong giáo dục Steiner/Waldorf là dựa vào giá trị của sự phát triển bản thân, dựa vào việc kiến thức của mỗi học sinh có được từ sự truyền cảm hứng và khích lệ của giáo viên. Nhằm mục tiêu tạo dựng nên những cá nhân có nội tâm mạnh mẽ, có động lực phát triển đến từ đam mê bên trong, không phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, học sinh được hướng dẫn để tự học hỏi, khám phá bằng niềm vui thích mà không cần đến quyền lực, sự áp đặt hay phán xét.

 

Mặc dù hài lòng với những ưu điểm trên, nhiều phụ huynh vẫn lo lắng rằng con mình không có kỷ luật khi ở trong một môi trường quá thoải mái như trường Steiner. Trên thực tế, học sinh Steiner lại là những học sinh có tính kỷ luật cao nếu được ở trong môi trường kỷ luật đúng đắn, một môi trường vốn xuất phát từ ý thức trách nhiệm và tình yêu thương của người giáo viên, không phải từ sự rèn dũa theo luật lệ nghiêm khắc.

 

Trước khi bàn kỹ hơn về kỷ luật, chúng ta hãy cùng khám phá “kỷ luật” nghĩa là gì. Theo quan điểm của một số người, kỷ luật có thể được hiểu là sự khắc nghiệt và cứng nhắc, chỉ theo ý kiến chủ quan một chiều của người lớn áp đặt lên trẻ nhỏ, nhưng cách hiểu này không phù hợp với tinh thần giáo dục Steiner. Từ “kỷ luật” trong tiếng Anh là “discipline” vốn xuất phát từ tiếng Latin – “disciplina” – nghĩa là đào tạo, nghĩa rộng hơn của nó là “sự hướng dẫn, giảng dạy, học hỏi, kiến thức”. Đồng thời “disciple”, số nhiều là “discipulus”, trong tiếng Latin có nghĩa là “học sinh”, cũng có nghĩa là “đối tượng của sự hướng dẫn, kiến thức, khoa học”. Vậy, “discipline” và “disciple” có chung một gốc rễ và đều có ý nghĩa liên quan đến việc học tập.

 

Một điều lưu ý ở đây, đối tượng của bài viết hướng đến là cả phụ huynh muốn tìm hiểu phương pháp giáo dục Steiner và cả người giáo viên. Có thể xem hai đối tượng là một giống như câu hát: “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền, cô và mẹ là hai cô giáo, mẹ và cô ấy hai mẹ hiền” để gia đình và nhà trường có thể trở thành một thể thống nhất, từ đó hỗ trợ, giúp đỡ trẻ một cách toàn diện và cân bằng nhất. Từ đây, bài viết sẽ để chung là “người lớn” đại diện cho cả đối tượng giáo viên và phụ huynh.

 

Nếu người lớn nhìn trẻ (ở đây được giới hạn từ 7 đến 14 tuổi) như “disciple” – là “sự hướng dẫn, giảng dạy” thì việc xem kỷ luật là dạng hình phạt đối với hành vi chưa phù hợp chắc chắn sẽ nhường chỗ cho một “hình mẫu” có tính bao trùm và toàn diện hơn. Người lớn phải là một đại diện của “Con người hoàn thiện” để trẻ có thể học được “kỷ luật”, hay đúng hơn là “cách thức” của việc làm người. Nếu người lớn nhìn đứa trẻ như một “disciple” – “đối tượng của sự hướng dẫn, kiến thức, khoa học”, thì người lớn sẽ buộc phải tự đánh giá bản thân để làm gương phấn đấu cho trẻ, và tự phát triển tiềm năng của mình lên cao nhất với vị trí là người dẫn dắt, người hướng dẫn. Một điều mà Rudorf Steiner thường nhấn mạnh là kỷ luật nên được cá nhân hóa 100% để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng trẻ. Các cách thức kỷ luật chung chung và theo tiêu chuẩn sẽ gây hại cho sự phát triển hài hòa của trẻ. Người lớn phải biết được điều gì cần thiết trong từng tình huống của đứa trẻ. Những trẻ khác nhau và tình huống khác nhau đòi hỏi những cách tiếp cận kỷ luật khác nhau, và do đó, lập một giải pháp sẵn có cho một vấn đề chưa lường trước sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng của người lớn trong việc đưa ra “liều thuốc” sư phạm. Tuy nhiên, mặt trái của việc cho phép trẻ làm theo ý muốn vì ích lợi của sự tự do có khả năng dẫn đến nhiều hậu quả tai hại.

 

Vì thế kỷ luật thường được bắt đầu với trách nhiệm của người lớn trong việc vun đắp quyền uy yêu thương. Trong những bài giảng của Steiner, ông nói rằng trẻ em ở độ tuổi bảy và mười bốn chủ yếu học thông qua quyền uy yêu thương. Quyền uy yêu thương, được người lớn vun đắp, sẽ giúp trẻ phát triển lành mạnh một cách tự nhiên. Khi người lớn yêu thương trẻ, hiểu rõ sự phát triển của trẻ, hiểu rõ mình cần làm gì để giúp các em và tin tưởng vào những gì mình làm, soi xét bản thân mình mỗi ngày, quyền uy yêu thương, một cách tự nhiên, sẽ lan toả. Tầm quan trọng của quyền uy này được phác họa rõ nét như sau:

 

“Điểm cần nhấn mạnh hiện giờ phải là quyền uy và cộng đồng. Trẻ em nên trải nghiệm điều gì đó của sức mạnh và sự vinh quang bao quanh những người dẫn dắt mà trẻ gặp từ lúc còn nhỏ. Do đó, giáo viên là yếu tố quan trọng nhất mà trường học cần quan tâm. Quyền uy của giáo viên phải thật hiển nhiên đối với trẻ, giống như những gì các bậc thầy vĩ đại đã dạy là hiển nhiên với tâm hồn con người. Sẽ rất tệ và gây tổn hại lớn nếu đứa trẻ nghi ngờ giáo viên. Lòng tôn kính ở đứa trẻ không được có bất kỳ sự dè dặt nào, để sự tử tế và thiện chí của giáo viên, vốn phải được thể hiện một cách tự nhiên, là một phước lành đối với trẻ.”– Rudolf Steiner (Đây là lời khuyên của Rudorf Steiner dành cho giáo viên nhưng vẫn phù hợp để phụ huynh áp dụng)

 

Yếu tố then chốt thứ hai là nhịp điệu. Theo Rudolf Steiner, từ bảy đến mười bốn tuổi, trẻ phát triển cơ thể sức sống đã được giải phóng của mình; đây chính là cơ thể của nhịp điệu. Do đó, tạo ra nhịp điệu xuyên suốt trong đời sống cho trẻ là một trong những yếu tố lớn nhất để xây dựng kỷ luật mà người lớn có thể thực hiện. Steiner cho rằng, yêu cầu trẻ làm một việc người lớn cho là đúng chỉ một lần duy nhất, hay đặt ra những quy tắc đạo đức cho trẻ đều không phải là cách phù hợp để rèn ý chí cho trẻ. Người lớn cần cho trẻ làm đi làm lại, vào ngày hôm nay, ngày mai và ngày kia, điều mà người lớn cho là đúng đắn, điều mà người lớn tin là sẽ đánh thức cảm nhận đúng sai bên trong trẻ. Người lớn cần cho trẻ lặp đi lặp lại điều đó, hành động đó để nó trở thành thói quen, thành sự thôi thúc của ý chí thực sự của trẻ. Người lớn càng thiết lập được nhiều thói quen vô thức cho trẻ, đời sống tình cảm của trẻ càng được phát triển lành mạnh.

[Nguồn ảnh: www.washingtonwaldorf.org/]

 

thanh cherry

Thanh Cherry

Chủ tịch SWAVN

Thạc sĩ Giáo dục Mầm non tại Đại học Western Sydney, Úc

Hơn 40 năm kinh nghiệm trong giáo dục mầm non Steiner – Waldorf.

Từng làm Tổng  điều phối cho Chương trình Đào tạo và Cố vấn chuyên môn Giáo viên Mầm non tại Trung Quốc (WECC), và hiện đang là Cố vấn tổng quát cho WECC

Cố vấn tổng quát cho các khóa đào tạo và cố vấn chuyên môn Giáo viên tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay.