Sự vận động của phong trào giáo dục Steiner-Waldorf ở Châu Á

“Hội nghị lần thứ 7, năm 2017 ở Trung Quốc đã đánh dấu 21 năm phong trào giáo dục Waldorf ở Châu Á, và cũng như con số 21 đại diện cho sự bắt đầu tuổi trưởng thành của một con người, phong trào Waldorf Châu Á đã đạt đến giai đoạn trưởng thành trên châu lục này, nơi có thể mở ra những chuyển biến lớn hơn nữa trong tương lai.”


Châu Á là châu lục lớn nhất thế giới với hơn 44.4 triệu ki-lô-mét vuông, chiếm khoảng 1/3 diện tích đất liền toàn cầu. Trên châu lục rộng lớn này hơn 30 năm về trước vẫn chưa xuất hiện bất kỳ dấu tích nào của giáo dục Waldorf, nhưng ngày nay ở nơi đây, trường học và các lớp mầm non Waldorf đã có mặt ở hầu khắp quốc gia. Năm 1987, trường Waldorf đầu tiên của Châu Á được mở cửa ở Tokyo (Nhật Bản); năm 1988, một nhà trẻ Waldorf ra đời ở Bangkok (Thái Lan). Từ giữa thập niên 90 trở về sau, giáo dục Waldorf bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ trên khắp châu lục. Năm 1996, những trường Waldorf chính thống đầu tiên ra đời ở Philippines và Thái Lan; những trường tiếp theo xuất hiện vào năm 1998 ở Ấn Độ, năm 1999 và 2000 ở Đài Loan và Nepal. Tiếp đến là những ngôi trường tiên phong được thành lập ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện tại, giáo dục Waldorf đã có mặt ở cả Pakistan.

Trong Hội nghị Giáo viên Waldorf Châu Á (The Asian Waldorf Teachers’ Conference – AWTC) lần thứ 7 diễn ra tại Trung Quốc từ ngày 28/04/2017 – 05/05/2017, có hơn 900 người đã đến tham dự từ Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Nepal, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Philippines và Việt Nam – đây chính là bằng chứng cho thấy sức lan tỏa mãnh liệt của hệ thống giáo dục này ở thế giới phương Đông. AWTC là hội nghị có quy mô châu lục đã được đều đặn tổ chức mỗi hai năm một lần, bắt đầu ở Đài Loan (2005), sau đó đến Bangkok (2007), Manila (2009), Hyderabad (2011), Seoul (2013), Tokyo (2015), Trung Quốc (2017). Hội nghị lần thứ 7, năm 2017 ở Trung Quốc đã đánh dấu 21 năm phong trào giáo dục Waldorf ở Châu Á, và cũng như con số 21 đại diện cho sự bắt đầu tuổi trưởng thành của một con người, phong trào Waldorf Châu Á đã đạt đến giai đoạn trưởng thành trên châu lục này, nơi có thể mở ra những chuyển biến lớn hơn nữa trong tương lai. Đồng thời đây cũng là thời điểm để các nhà giáo dục Steiner-Waldorf ở Châu Á chiêm nghiệm về quãng đường đã qua và những bước đi mới mẻ sắp tới.

Cho đến thời điểm hiện tại, phong trào Waldorf ở Châu Á vẫn đang đối mặt với một số vấn đề chung. Một trong những vấn đề nổi bật nhất chính là việc các trường học phải nỗ lực tìm kiếm bản sắc văn hóa riêng của đất nước mình trong các hoạt động của giáo dục Waldorf, vì đây là nền giáo dục xuất phát từ Châu u. Vậy thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giáo viên ở các nước Châu Á có thể thay thế những câu chuyện cổ tích, lịch sử, sử thi, bài hát và bài đồng dao của trẻ em phương Tây bằng những câu chuyện địa phương phù hợp có liên quan đến đất nước mình? Vấn đề này đặc biệt cấp bách ở một số quốc gia có thời gian độc lập rất ngắn do lịch sử thuộc địa lâu dài.

Tuy vậy, những vấn đề kể trên không thể ngăn bước những con người yêu quý và tâm huyết với giáo dục khai phóng tiếp tục lan tỏa những gì tinh túy và đẹp đẽ nhất của giáo dục Steiner-Waldorf ở quốc gia của mình nói riêng và toàn Châu Á nói chung. Liệu Rudolf Steiner, cha đẻ của nền giáo dục Waldorf, có bao giờ hình dung về sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục Waldorf tại Châu Á vào 100 năm sau thời điểm ra đời của nó năm 1919 hay chưa? Trong 100 năm ấy, phong trào giáo dục Waldorf đã thành công lan tỏa vẻ đẹp lấp lánh của mình ra khắp 05 châu lục, liệu 100 năm tiếp theo sẽ mang lại điều gì? Trong lúc đợi chờ câu trả lời của thời gian, chúng ta có thể cùng chung tay tiếp nối những thành tựu của lớp người đi trước, cống hiến lao động và sáng tạo của mình để vun bồi cho thế hệ mai sau.

thanh cherry

Thanh Cherry

Chủ tịch SWAVN

Thạc sĩ Giáo dục Mầm non tại Đại học Western Sydney, Úc

Hơn 40 năm kinh nghiệm trong giáo dục mầm non Steiner – Waldorf.

Từng làm Tổng  điều phối cho Chương trình Đào tạo và Cố vấn chuyên môn Giáo viên Mầm non tại Trung Quốc (WECC), và hiện đang là Cố vấn tổng quát cho WECC

Cố vấn tổng quát cho các khóa đào tạo và cố vấn chuyên môn Giáo viên tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay.