(Helene McGlauflin, MEd)(Bài viết tiêu biểu được đăng lần đầu trên ấn bản Xuân/Hè năm 2004 của tạp chí Renewal)
Từ “Không” ám chỉ những giới hạn, sự kiểm soát, sự từ chối và lời nói cuối cùng. Thật khó để thấy biểu hiện mạnh mẽ và đơn giản nhất của sự phủ định này lại có thể được xem là một món quà – là biểu hiện của sự quan tâm và ân huệ, và là một lời đề nghị giúp đỡ. Nhưng đối với các bậc cha mẹ, việc nói “Không”, khi được thực hiện một cách sáng suốt và phù hợp, là món quà mà con họ cần và đáng được có. Món quà ấy giúp chúng lớn lên trở thành những người trưởng thành có trách nhiệm và quân bình.
Hình: A child in a tantrum, Hoạ sĩ Rembrandt, năm 1635
Mỗi đứa trẻ phải học cách sống với những giới hạn của cuộc sống ở thế giới này. Có những quy tắc xã hội phải được quan sát, những hành động không an toàn nên được tránh đi, những kiểu hành xử không thể chấp nhận, và những công việc sau rốt cần phải được hoàn thành. Để trở thành một con người chín chắn và có trách nhiệm nghĩa là phải biết chấp nhận và đối mặt với những giới hạn tự nhiên mà cuộc đời mang đến. Món quà của chữ “Không” dạy trẻ rằng chúng không thể có mọi thứ chúng muốn ngay khi chúng muốn. Nó nói rằng, “Con phải biết nghĩ đến người khác và môi trường xung quanh trước khi hành động.” Nó ngụ ý rằng nhiều quyết định không thuộc quyền của trẻ và rằng thi thoảng trẻ phải làm những thứ chúng không muốn làm. “Không” giúp trẻ được an toàn. Và, nói một cách khiêm nhường nhất, món quà này cho trẻ cái nhìn thực tế về cuộc sống với hàm ý, “Con không phải là người cầm trịch, không phải là trung tâm của thế giới.” Tuy vậy, nói “Không” với con và theo sát các ranh giới một cách nhất quán là một trong những kỹ năng làm cha mẹ khó nhất để nhận ra, để học cách thực hiện và thuần thục nó. Dùng “Không” một cách khôn ngoan để tránh được nguy cơ trở nên quá khuôn khổ và khắc nghiệt, và để sẵn sàng lập kỷ cương khi cần thiết, thực sự là một nghệ thuật. Càng lúc cha mẹ ngày nay càng bối rối về tầm quan trọng của kỷ luật và vì thế lưỡng lự khi cần đưa ra chỉ dẫn cho trẻ ở những giới hạn chấp nhận được.
Món quà của chữ “Không” trở nên khó khăn hơn để có thể đem trao cho trẻ vì nhiều lý do. Trong văn hoá Bắc Mỹ ngày nay, lựa chọn và tự do lựa chọn được đánh giá cao. Có quá nhiều sự chọn lựa hiện diện khắp mọi nơi, từ siêu thị đến đấu trường chính trị quốc gia, tạo nên ảo tưởng về sự thừa mứa và những gì đạt được là vô hạn. Ngay cả những cha mẹ sống có giới hạn luôn bảo vệ con mình khỏi truyền thông và chủ nghĩa thương mại cũng phải đấu tranh với động lực văn hoá hùng mạnh và nhan nhản khắp nơi này. Dựa trên những lý lẽ mang tính triết lý, một số cha mẹ không đồng ý với ý tưởng cho rằng nói “Không” với trẻ có thể lành mạnh và mang tính giáo dục. Họ có lẽ tin trẻ xứng đáng có được vô số các lựa chọn hoặc tin rằng trẻ sẽ học cách đưa ra chọn lựa đúng đắn mà không cần sự chỉ dẫn nào đến từ bên ngoài. Họ có thể mong muốn bảo vệ con mình khỏi những giới hạn của một thế giới cay nghiệt càng lâu càng tốt, hay họ có lẽ tin tưởng một cách chắc chắn rằng nói “Không” nghĩa là không quảng đại, vì trẻ thường sẽ khó chịu nếu hành vi của chúng không được cho phép và mong muốn của chúng không được thoả mãn. Những bậc cha mẹ khác, bằng trực giác, cảm nhận việc nói “Không” là sự quan tâm tốt nhất dành cho trẻ nhưng lại thấy khó khăn, hoặc đúng hơn là không thể làm được. Những người có tính cách nhẹ nhàng không dễ để có tiếng nói kiên quyết. Một số bị kiệt sức bởi đời sống hiện đại và không chịu đựng được những đòi hỏi của một cuộc sống có giới hạn. Các cha mẹ khác gặp vấn đề với cảm giác có lỗi vì không dành đủ thời gian cho con và chần chừ không muốn đối mặt với những tranh đấu sẽ xuất hiện trong quá trình hướng đến cuộc sống có giới hạn. Một số khác lại bị đàn áp bởi cảm giác lo lắng mà những người mới làm cha mẹ thường xuyên phải đối mặt, rằng liệu đó có phải là điều “đúng đắn” để làm với con hay không.
Tuy nhiên, đó là điều đúng đắn. Cuối cùng thì đó là hành động của tình thương yêu khi cha mẹ dạy con mình lúc chúng còn nhỏ những thông điệp cơ bản về giới hạn của thế giới này. Trẻ học một bài học không thể thiếu của cuộc đời trong sự an toàn và che chở của gia đình, từ những người quan tâm đến mình nhất. Những trẻ này phát triển một không gian ổn định và mạnh mẽ trong nội tâm khiến chúng tôn trọng chữ “Không” và tất cả hàm nghĩa của nó. Để rồi không cần phải chống đối thái quá, chúng chấp nhận những giới hạn được đặt ra từ người giáo viên, từ những nhân vật uy quyền khác và từ thế giới này.
Việc tạo ra các giới hạn nên là một quá trình liên tục bắt đầu từ lúc trẻ mới sinh và tiếp tục cho đến tuổi thanh thiếu nhiên. Những trẻ còn rất nhỏ đã cảm nhận được ý nghĩa của chữ “Không” trong những việc cơ bản, chẳng hạn khi hành xử với người khác (không đánh hay làm đau), nói chuyện đúng mực với bạn cùng chơi và người lớn, và chấp nhận nhịp điệu trong ngày – giờ ngủ, giờ ăn, v.v. Nếu trẻ tuân thủ một cách trìu mến các giới hạn trong những lĩnh vực này và học về chúng khi còn nhỏ, trẻ sẽ chấp nhận chúng trong giai đoạn sau này của tuổi ấu thơ như một lẽ đương nhiên.
Với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể đặt ra giới hạn trong các lĩnh vực phức tạp hơn, như hoàn thành việc nhà, làm bài tập về nhà, và làm việc hợp tác theo nhóm. Khi nền tảng vững chắc đã được thiết lập ở những năm trẻ còn nhỏ, thì việc đặt ra giới hạn trong giai đoạn vị thành niên đơn giản chỉ là sự nối tiếp của quá trình này và ít khi trở thành một đấu trường. Lệnh giới nghiêm, quyết định về những gì an toàn và không an toàn, và những giới hạn trong việc trẻ dùng xe hơi ở tuổi vị thành niên giúp trẻ tiếp cận với hiểu biết cơ bản về các giới hạn của thế giới và hàm ý cương quyết của chữ “Không”. Chắc chắn sẽ có nước mắt và nỗi đau xuyên suốt quá trình này đối với cả con cái và cha mẹ, nhưng sẽ luôn đi cùng với phần thưởng: sự mở mang của những con người trẻ tuổi có trách nhiệm và lòng kính trọng.
Những trẻ lúc còn nhỏ không được cha mẹ dạy ý nghĩa của chữ “Không” chắc chắn sẽ đối mặt với khó khăn khi phải học nó bên ngoài gia đình. Đó không phải là vấn đề liệu trẻ có đối mặt với nó hay không mà là sẽ đối mặt khi nào và ai sẽ là người dạy trẻ. Khi quá trình học hỏi này không được diễn ra một cách từ từ trong gia đình thì nó sẽ diễn ra đột ngột ở thế giới ngoài kia, và sẽ kéo theo những căng thẳng và khổ não không cần thiết cho trẻ, cho bạn bè của trẻ và cho cả những người lớn phải đặt ra các giới hạn. Một đứa trẻ chưa mở mang khả năng chấp nhận “Không” sẽ tiếp tục tìm kiếm những gì mình muốn khi không thể có được, sẽ cảm thấy vô cùng khổ sở khi mong muốn của mình không được thực hiện, và có thể sẽ dùng nhiều hành vi thao túng nhằm phớt lờ hàm ý cương quyết của câu trả lời “Không”.
Hãy xem xét hai trường hợp giả định, Mary và John, cả hai đều sáu tuổi và ở trong một lớp mầm non chuẩn bị dùng nhạc cụ gõ để gõ theo bài hát. Giáo viên đã đưa cho mỗi trẻ một nhạc cụ, và cả Mary và John cùng với những em khác không nhận được nhạc cụ mình muốn. Cả hai đều rất buồn và có vẻ chần chừ không muốn chơi.
Giáo viên nói, “Cô biết nhiều bạn thất vọng vì không nhận được nhạc cụ mà mình trông đợi, nhưng chơi nhạc cụ nào cũng vui cả.” John là cậu bé đã quen chấp thuận những giới hạn ở nhà; cậu nhún vai và bắt đầu chơi lục lạc maraca. Trong vòng vài phút, cậu bé đã vui vẻ hát cùng với các bạn. Mary vốn không quen chấp nhận các giới hạn được đặt ra tại nhà, vẫn thấy thất vọng sau khi giáo viên đã nói như vậy. Cô bé bĩu môi hờn đỗi và bảo, “Con không muốn chơi trống,” và khi giáo viên tiếp tục bài hát, cô bé oà khóc. Chẳng mấy chốc, tất cả đều tham gia vui vẻ, chú tâm hát và chơi bộ gõ của mình trừ Mary; cô bé từ chối tham gia.
Phản ứng của hai trẻ này minh hoạ cho món quà của chữ “Không”. John được trao món quà này từ khi còn rất nhỏ và quen với cảm giác không có được những gì mình muốn. Từ kinh nghiệm của mình, cậu biết rằng cảm giác thất vọng cũng sẽ qua đi và sự việc sẽ dễ hơn nếu cậu buông đi những gì mình muốn và chấp nhận thực tế trước mắt. Cậu tự nhủ, “Ừ thì mình muốn cái trống, nhưng cô đã bảo “Không” và cô kiên quyết như vậy. Chắc là chơi cái lục lạc kia cũng vui.”
Mary không có được lợi ích của chữ “Không” trong cuộc đời mình và không quen với việc người lớn đặt ra giới hạn về những gì mình được có và được làm. Không giống John, cô bé không quen với tiến trình nội tâm của việc trải qua cảm giác thất vọng để rồi bước tiếp. Mary nghĩ, “Nếu mình cứ tiếp tục buồn thế này, có thể cô sẽ cho mình chơi bộ chũm choẹ.” Những người lớn khác trong cuộc đời Mary thường đáp ứng những gì cô bé muốn nếu cô đợi đủ lâu. Nhưng giáo viên thì khác, và sẽ mất nhiều lần khổ sở cũng như nhiều cơ hội bị bỏ lỡ như thế này để Mary học được tiến trình chấp nhận sự thất vọng và bước tiếp.
Điều quan trọng là cuộc sống sẽ có thể khó khăn đến nhường nào đối với một đứa trẻ như Mary, đứa trẻ không nhận được sự rèn luyện cơ bản để chấp nhận các giới hạn. Dù ở trường hay đi thăm nhà bạn, hay chơi cùng họ hàng, những việc như trên sẽ xảy ra. Một vài lần hay nhiều lần trong ngày, Mary sẽ bỏ lỡ những cơ hội được học hỏi và vui chơi vì cô bé không thể chấp nhận chữ “Không” của thế giới này. Cô bé sẽ phải mất nhiều thời gian và năng lượng để học cách chấp nhận “Không”. Nếu may mắn, cô bé sẽ học được trong giai đoạn ấu thơ và niên thiếu với sự trợ giúp của thế giới và những người lớn bên ngoài gia đình mình. Nếu thiếu may mắn, cô sẽ phải vật lộn cả đời với việc chấp nhận những giới hạn, chấp nhận làm theo những quy định và luật lệ, cũng như tôn trọng uy quyền.Học cách trao món quà.
Một số cha mẹ may mắn khi có thể thiết lập giới hạn cho con mình một cách tự nhiên mà không thấy khổ sở hay khó khăn khi nói “Không”. Nhưng đối với hầu hết chúng ta, việc nói “Không” cần sức mạnh của ý chí và sự đoan chắc rằng ta phải học cách tạo lập giới hạn, phát triển và duy trì giới hạn một cách đau đớn. Bên dưới là những ý tưởng giúp “hầu hết chúng ta” phát triển và duy trì khả năng thiết lập giới hạn: • Phát triển lòng tin chắc chắn rằng nói “Không” một cách khéo léo là món quà mang lại lợi ích cho con. Khi ta nói “Không”, mặc dù trẻ sẽ phản đối, đôi khi là phản đối kịch liệt, trẻ vẫn cần sự an toàn và bảo vệ mà từ “Không” mang lại và thường thấy an ổn sâu ở bên trong. Hãy nhìn vượt lên trên những giọt nước mắt và cơn làm nư của trẻ để thấy đó là bài học mà cuộc đời trao tặng cho con. • Điềm tĩnh và chờ đợi khi con bạn phản đối hay ăn vạ khi bạn thiết lập một giới hạn. Phát triển một hình ảnh hoặc một ý tưởng giúp bạn mạnh mẽ mỗi khi cần đến. “Giới hạn giống như một cái ôm yêu thương” là một hình ảnh/ý tưởng đã giúp tôi rất nhiều. Trong khi con tôi hoặc một đứa trẻ mà tôi làm việc cùng phản đối lời nói “Không” của tôi, tôi lại hình dung ra đó một vòng tay to lớn đầy tình yêu thương và an toàn. • Mở rộng cách dùng từ “Không” mà bạn thấy thoải mái, đặc biệt khi bạn là người không thích nghe từ đó. “Chúng ta không đánh nhau” cũng có nghĩa như “Không được đánh nhau.” Hoặc ta có thể nói, “Chúng ta không làm điều đó trong gia đình mình”; “Mẹ/ba không thể cho con làm điều đó được”; “Mẹ/ba không mong con hiểu nhưng muốn con làm những gì mẹ/ba vừa yêu cầu”; “Mẹ/ba ước gì con đừng…” • Tìm sự trợ giúp từ những cha mẹ nói “Không” và chia sẻ cho nhau giá trị của việc thiết lập giới hạn. Khi con bạn còn nhỏ, hãy tìm những cha mẹ trân trọng việc cho con đi ngủ sớm; khi con lớn hơn, tìm những người không cho phép con xem phim đánh dấu chữ R (restricted – giới hạn độ tuổi); ở tuổi vị thành niên, tìm những người kiên quyết với giờ giới nghiêm. Hãy gọi cho những cha mẹ này khi phải đối mặt với một thử thách trong việc thiết lập giới hạn để xin lời khuyên cũng như sự trợ giúp của họ. Món quà của chữ “Không” cần đến sự chín chắn và tầm nhìn xa. Nó là món quà ta trao cho con khi chúng còn quá nhỏ để hiểu, món quà mà chúng sẽ trân trọng giá trị của nó chỉ khi đã lớn lên. Trẻ sẽ hiểu món quà qua những lần lặp lại của sự trao đi từ chúng ta và sự chấp nhận của chúng hết lần này đến lần khác trong suốt giai đoạn ấu thơ. Khi các giới hạn được đón nhận, được chấp nhận và học hỏi một cách thành thực, cả xã hội được hưởng lợi từ những người trưởng thành trẻ tuổi, những người sẵn sàng để trở thành những công dân có trách nhiệm.
(Ngọc Thảo dịch)
Link bài viết gốc: https://www.waldorflibrary.org/articles/1189-the-gift-of-no