Di sản của Rudolf Steiner

Rudolf Steiner (27.02.1861 – 30.03.1925) là một nhà triết học, học giả văn chương, kiến trúc sư, nhà viết kịch, nhà giáo dục và nhà tư tưởng người Áo. Tên tuổi ông gắn liền với Anthroposophy – nền tảng cho rất nhiều lĩnh vực quan trọng của nhân loại sau này, bao gồm giáo dục Waldorf, nông nghiệp Biodynamic, phong trào Camphill cho người khuyết tật, y học Anthroposophy, nghệ thuật Eurythmy và nhiều tân trường phái trong nghệ thuật, kiến trúc, và một số lĩnh vực khác. Các tác phẩm phong phú của ông tiết lộ những tư tưởng triết học, xã hội và tâm linh sâu sắc về bản chất của xã hội loài người. Nhiều ý tưởng của Rudolf Steiner cho đến ngày nay vẫn tiếp tục truyền cảm hứng và đặt cơ sở để mở ra sự hiểu biết và những hướng cải thiện cuộc sống cho con người, đồng thời hỗ trợ việc tiến tới một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi sinh linh. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu sơ lược những đóng góp quan trọng của Rudolf Steiner cho nhân loại trong các lĩnh vực:

Anthroposophy

Eurythmy

Kiến trúc và điêu khắc

Hội họa

Âm nhạc

Y học Anthroposophy

Nông nghiệp Biodynamic

Những đổi mới trong tôn giáo

Giáo dục Waldorf

Mời bạn đọc bấm vào từng hình để xem chi tiết.

(Nguồn ảnh: sưu tầm qua Internet)

1. Anthroposophy

Steiner đã phát triển Anthroposophy và xem đó là một môn khoa học tâm linh hướng đến sự chính xác và rõ ràng khi nghiên cứu về thế giới tâm linh như khi khoa học tự nhiên nghiên cứu về thế giới vật chất, do đó nó áp dụng phương pháp luận của khoa học hiện đại vào các thực nghiệm tâm linh của mình.

Từ anthroposophy có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, với anthropo có nghĩa là con người, và sophia có nghĩa là trí tuệ. Steiner đã mô tả Anthroposophy như sau:

“Anthroposophy là con đường tri thức dẫn lối cho cái Thiêng liêng của con người tìm về với cái Thiêng liêng của Vũ trụ. Nó nảy sinh bên trong con người như một nhu cầu của trái tim, của đời sống tình cảm, và bởi vì có thể thỏa mãn nhu cầu nội tâm ấy mà Anthroposophy có thể minh định chính nó.

Anthroposophist (những người đi theo triết lý Anthroposophy) là những người trải nghiệm những câu hỏi nhất định về bản chất của con người và vũ trụ như một nhu cầu thiết yếu của đời sống, như thể người ta trải qua cảm giác đói và khát của thể xác vật lý.”

Các nguyên tắc của Anthroposophy đã đặt nền móng cho Phong trào Camphill – một sáng kiến nhằm thay đổi xã hội, tạo nên những cộng đồng dân cư và trường học nâng đỡ và hỗ trợ người lớn cũng như trẻ em mắc các khuyết tật phát triển, các vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc có các nhu cầu đặc biệt khác. Phong trào này xuất hiện vào năm 1939 tại Kirkton House gần Aberdeen, Scotland, do một nhóm bao gồm bác sĩ nhi khoa người Áo Karl König khởi xướng. König tin tưởng rằng mỗi con người đều sở hữu một bản thể nội tại lành mạnh, độc lập với các đặc điểm thể chất của họ, kể cả các đặc điểm cho thấy sự chậm phát triển hay khuyết tật tâm thần; và vai trò của nhà trường là nhận biết, nuôi dưỡng và giáo dục bản thể cốt lõi này. Triết lý của phong trào này dựa trên triết lý Anthroposophy, với cốt lõi là “mỗi con người đều có một linh hồn và số phận hoàn hảo dành riêng cho mình.” Các nguyên tắc cơ bản của trường học Camphill đều bắt nguồn từ các khái niệm về giáo dục và đời sống xã hội được Steiner phác thảo từ thập kỷ trước. Ngày nay có hơn 100 cộng đồng Camphill tại hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới, chủ yếu ở Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Phi. 

2. Eurythmy

“Eurythmy” là môn nghệ thuật chuyển động được Rudolf Steiner khởi xướng vào đầu thế kỷ XX. Dù là một môn nghệ thuật biểu diễn, eurythmy cũng được sử dụng trong liệu pháp khiêu vũ (dance therapy) và được dạy cho trẻ em (đặc biệt là ở các trường Waldorf) nhờ giá trị sư phạm của nó. Từ eurythmy bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “nhịp điệu đẹp đẽ hoặc hài hòa” và được các kiến ​​trúc sư Hy Lạp sử dụng để chỉ sự cân đối hài hòa về tỷ lệ của một bản thiết kế hoặc tòa nhà. Cùng với vợ mình, Rudolf Steiner đã phát triển Eurythmy thành một môn nghệ thuật được mệnh danh là “ngôn từ có thể nhìn thấy được và bài hát có thể nhìn thấy được.” Theo các nguyên tắc của Eurythmy, có những hình mẫu chuyển động và cử chỉ tương ứng với mọi khía cạnh của lời nói – âm thanh, âm vị, nhịp điệu, các chức năng ngữ pháp, v.v. – với mọi “phẩm chất tâm hồn” – cười, tuyệt vọng, thân mật, v.v. – và mọi khía cạnh của âm nhạc – âm sắc, quãng, nhịp, hòa âm.

Là một nhà viết kịch, Steiner đã viết bốn vở “Mystery Drama” từ năm 1909 đến năm 1913, bao gồm The Portal of Initiation và The Soul’s Awakening. Những tác phẩm này ngày nay vẫn được các nhóm Anthroposophy giới thiệu và trình diễn.
(tạm dịch: Mystery Dramas: Thần bí Kịch, The Portal of Initiation: Cánh cổng Khởi nguyên, The Soul’s Awakening: Linh hồn Tỉnh giấc)

3. Kiến trúc và điêu khắc

Steiner đã phát triển một phong cách kiến ​​trúc nguyên bản để thiết kế và xây dựng khoảng 17 tòa nhà. Quan trọng nhất trong số này là Goetheanum I và Goetheanum II, được thiết kế để làm trường Đại học Khoa học Tâm linh. Năm 1913, Goetheanum I do đích thân Steiner thiết kế đã bắt đầu được xây dựng ở Dornach, Thụy Sĩ. Tòa nhà được hoàn thiện một phần nhờ bàn tay của những tình nguyện viên giỏi việc thủ công hay đơn giản là giàu ý chí học hỏi những kỹ năng mới. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào năm 1914, bên trong công trường người ta có thể nghe thấy tiếng đại bác vọng đến từ biên giới Thụy Sĩ, nhưng bất chấp chiến tranh, mọi người từ khắp châu Âu đã cùng làm việc bên nhau trong tinh thần tương thân tương ái để hoàn thành công trình này. Năm 1919, Goetheanum là nơi công chiếu bản sản xuất hoàn chỉnh cho vở Faust lừng danh của Goethe. Cũng trong năm này, ngôi trường Waldorf đầu tiên được thành lập ở Stuttgart, Đức, và hoạt động thuyết trình của Steiner đã được biết đến nhiều hơn khi Goetheanum phát triển thành một trung tâm văn hóa rộng khắp. Vào đêm giao thừa năm 1922/1923, Goetheanum đã bị thiêu rụi trong một vụ đốt phá. Steiner ngay lập tức bắt tay vào thiết kế tòa nhà Goetheanum II, lấy chất liệu chính là bê tông thay vì gỗ. Tòa nhà được khánh thành vào năm 1928, ba năm sau khi ông qua đời. Ông quan niệm Goetheanum II là sự tiếp nối tự nhiên và là hóa thân của tòa nhà đầu tiên. Phong cách kiến trúc do Steiner sáng tạo nên đã tạo cảm hứng cho các kiến ​​trúc sư lỗi lạc của thời đại, tiêu biểu như Le Corbusier và Eero Saarinen.

Với tư cách là một nhà điêu khắc, tên tuổi của Steiner gắn với tác phẩm The Representative of Humanity (tạm dịch: Đại diện của Nhân loại) (1922). Tác phẩm điêu khắc gỗ cao chín mét này là một dự án hợp tác với nhà điêu khắc Edith Maryon, mô tả các lực lượng tâm linh đang hoạt động trên thế giới và bên trong con người. Nhờ may mắn được cứu khỏi trận hỏa hoạn, ngày nay tác phẩm này đang được trưng bày tại Goetheanum ở Dornach, Thụy Sĩ.

4. Hội họa

Steiner đã dựa trên những quan sát, nghiên cứu của bản thân và của Johann Wolfgang von Goethe để đúc kết nên những hiểu biết về ngôn ngữ của màu sắc, cũng như mối quan hệ của màu sắc với ánh sáng và bóng tối. Những hình thức khác nhau của hội họa – như vẽ chì, đổ bóng, vẽ màu (wet-on-wet, veiling, sơn lazure) – đều tạo nên những tác động tương ứng lên các khía cạnh tư duy, tình cảm và ý chí của người sáng tác.

– Vẽ chì: về cơ bản, khi vẽ chì, ta làm việc với hai màu đen và trắng, qua đó khảo nghiệm về đường nét và hình dáng, cũng như sự tác động lẫn nhau giữa ánh sáng và bóng tối. Việc vẽ bằng bút chì với đường nét mảnh, rõ ràng giúp chúng ta “mài dũa” trí tuệ — tư duy khách quan (tự do khỏi cảm xúc). Khi sử dụng các đường thẳng liên tục, không đứt đoạn, ta đồng thời làm việc với các đặc tính linh hoạt, đang hiện diện của cơ thể etheric (lớp ranh giới chuyển tiếp giữa thế giới vật lý và phi vật lý). Khi sử dụng những nét đứt, chúng ta cần đến ý chí và tư duy. Sự thể nghiệm về các vùng sáng, tối và vùng đổ bóng sẽ tạo nên tác động lên cảm xúc của chúng ta.

– Vẽ đổ bóng: đây là một kỹ thuật mà Steiner thường sử dụng trong các bản vẽ và minh họa của riêng mình, và đặc biệt được khuyên dùng vì giá trị nghệ thuật-trị liệu của nó. Với kỹ thuật này, các vật thể được tạo ra bằng cách sử dụng các nét chì xiên, song song, vẽ chồng lên nhau để dần dần đưa bóng tối thâm nhập vào ánh sáng (các nét chì dần hiển thị trên nền giấy trắng). Kỹ thuật này mang tính thiền định cao và có tác dụng làm ổn định, thanh tịnh bản ngã.

– Vẽ màu: màu sắc có tác động đến cơ thể cảm xúc của chúng ta, chính vì vậy, các màu sắc khi di chuyển giữa các sắc độ sáng – tối cũng đang nói lên ngôn ngữ của linh hồn chúng ta (ta nghe thấy tiếng nói của linh hồn khi di chuyển vào bên trong, trải nghiệm cảm xúc của mình). Màu sắc là thứ ngôn ngữ phổ quát và nguyên mẫu hơn bất kỳ từ ngữ nào. Biết cách nói và nghe bằng màu sắc, chúng ta có thể giao tiếp không lời với chính mình và với người khác. Chất liệu màu gần nhất với ánh sáng tự nhiên là màu nước trong suốt, vì vậy mà hội họa theo “trường phái Waldorf” thường sử dụng màu nước để vẽ tranh, với hai kỹ thuật chính yếu là wet-on-wet (màu ướt trên giấy ướt) và veiling (vẽ màn)

+ Wet-on-wet được sử dụng chủ yếu cho trẻ em, người già và người bệnh, vì nó vừa giúp thả lỏng và tăng cường sức mạnh cho cơ thể etheric, vừa giúp chữa lành và làm mạnh mẽ hơn các lực lượng của linh hồn. Trong phương pháp vẽ wet-on-wet, màu lỏng được tô lên giấy được làm ẩm. Nước, “vật chứa của sự sống”, tạo nên môi trường để các màu sắc di chuyển, đan xen vào nhau, rồi tạo ra các màu mới trong quá trình gặp gỡ nhau. Những dáng hình mới hiện hữu trong dòng chảy màu sắc, và rồi cũng tan biến đi chính trong dòng chảy ấy. Quá trình này sẽ tiếp diễn cho đến khi người nghệ sĩ muốn dừng lại và để khô trang giấy. Trong vẽ màu nước, diễn trình kể trên là quan trọng nhất, quan trọng hơn cả bản thân tác phẩm, bởi lẽ thông qua những diễn biến của màu sắc trên trang giấy, người sáng tác được thể nghiệm cảm xúc của chính mình khi hiểu về một màu riêng lẻ và hiểu về sự tương tác khi các màu sắc làm việc cùng nhau.

+ Vẽ màn (veil painting) đã được Rudolf Steiner giới thiệu và sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm của mình, và ông cũng khuyến nghị việc sử dụng kỹ thuật vẽ màn như một phương thức để chữa lành và tăng cường sự lành mạnh của bản ngã. Vẽ màn được mệnh danh là “Eurythmy trên giấy”. Trong kỹ thuật này, những lớp màn tạo nên từ màu trong suốt được quét lên bề mặt giấy khô (đã được kéo căng trước đó). Mỗi lớp màu (màn) phải khô hoàn toàn trước khi lớp tiếp theo được phủ lên nó. Khi vẽ tranh theo cách này, chúng ta được chứng kiến những hình hài tươi mới nổi lên từ vùng đan xen giữa những lớp màu, len lỏi phát sáng trong những khoảng không trên giấy. Tính phi lí trí của những hình hài mới này có tác dụng chữa lành tâm hồn, trong khi hoạt động có ý thức của việc phủ các tấm màn lên nhau giúp làm mạnh thêm những lực lượng lành mạnh của bản ngã.

– Sơn lazure: là một kỹ thuật sơn tường để tạo nên không gian vừa đẹp đẽ, vừa bình yên cho lớp học, phòng ở, trung tâm trị liệu,… Kỹ thuật sơn lazure tạo nên những mảng màu trông như màu trời rạng rỡ lúc bình minh hay hoàng hôn, thể hiện sự hòa quyện vô cùng tinh tế giữa ánh sáng và bóng tối, và những chuyển biến nhẹ nhàng như sự thay đổi của ánh sáng trong một ngày dài. Kỹ thuật này mang đến cho không gian cảm giác bình yên nhưng vẫn sống động, không bị trói buộc trong những lề lối trang trí rườm rà mà tự màu sắc loang ra trên bức tường trắng sẽ có cách riêng để hiển lộ chính mình. Có thể xem sơn lazure như một hình thức trị liệu nghệ thuật cho môi trường sống, và khi nó được một nhóm người sử dụng để làm đẹp cho không gian sinh hoạt chung của họ, nó thường được thực hiện như một liệu pháp nghệ thuật xã hội.

5. Âm nhạc

Steiner giải thích rằng cội nguồn của âm nhạc không nằm trong thế giới vật chất mà hoàn toàn nằm trong thế giới tâm linh vô hình – ngôi nhà thực sự của linh hồn con người. Do đó, người nhạc sĩ đứng gần trái tim thế giới hơn tất cả các nghệ sĩ khác. Ông cũng khẳng định rằng âm nhạc được trải nghiệm không chỉ với đôi tai mà là với toàn bộ con người. Các yếu tố âm nhạc như giai điệu (melody), hòa âm (harmony) và nhịp điệu (rhythm) có liên quan trực tiếp đến cấu tạo bộ ba của cơ thể người (cái đầu – trái tim – tứ chi), và sau đó là bộ ba nhạc cụ của dàn nhạc (bộ gió, bộ dây và bộ gõ). Steiner nói: “Một dàn nhạc chính là hiện thân của một con người.”
Vậy các yếu tố của âm nhạc liên quan đến con người như thế nào? Steiner đã chỉ ra nơi mà những yếu tố này sống trong cơ thể chúng ta:

– Giai điệu (Melody): Chúng ta trải nghiệm giai điệu ở đâu? Hay ta có thể hỏi theo cách khác: “những giai điệu thường bị “mắc kẹt” ở đâu?”. Câu trả lời chính là: những giai điệu thường đọng lại trong đầu chúng ta! Vậy công cụ để tạo ra giai điệu là gì? Công cụ nguyên sơ nhất của giai điệu là giọng nói của con người (khi một đứa trẻ bắt chước theo tiếng nói của cha mẹ, anh chị mình, thì cũng là khi em đang hát để trải nghiệm vẻ đẹp của giai điệu giản đơn bên trong mình). Các nhạc cụ gắn liền với giai điệu thường là nhạc cụ hơi, vì chúng bị giới hạn ở việc chỉ tạo ra một giai điệu duy nhất tại một thời điểm.

– Hòa âm (Harmony): Tự nhiên đã sắp đặt sự hòa âm vào khoang ngực, mà trọng tâm là trái tim, của con người. Chúng ta “cảm thấy” âm nhạc thông qua trải nghiệm về sự hài hòa trong âm thanh, được cụ thể hóa thành các hợp âm trưởng và thứ, thăng và giáng. Các nhạc cụ có thể tạo ra hòa âm là các nhạc cụ thuộc bộ dây, tiêu biểu như đàn hạc, đàn piano, đàn violin, cello,… – những loại nhạc cụ có thể chơi một giai điệu và cũng có khả năng tạo ra các hợp âm bằng cách bấm vào các dây hay phím đàn.

– Nhịp điệu (Rhythm): Dù là tiếng trống của một ban nhạc diễu hành trên đường phố hay là nhịp điệu của một điệu disco trên sàn nhảy, tất cả đều cho thấy rằng chúng ta tạo ra và trải nghiệm nhịp điệu nhờ vào tứ chi của mình. Nếu bạn đang ngồi hoặc đứng trong khi chơi một bản nhạc nhịp nhàng, bạn sẽ nhận ra mình đang nhịp chân, hoặc đung đưa đầu, hoặc búng khẽ các ngón tay. Nhịp điệu được liên kết với bộ gõ trong dàn nhạc – những loại nhạc cụ thể hiện nhịp điệu nhưng không không tạo ra được cao độ thực tế.

Như vậy, âm nhạc có thể tác động lên cả 03 phần cái đầu, trái tim và tứ chi của con người (tương ứng với tư duy, tình cảm và ý chí). Không chỉ dừng lại ở đó, các yếu tố của âm nhạc thực chất là những thành tố nền tảng tạo nên toàn bộ con người ở cả cấp độ vật chất và phi vật chất. Vì lý do này mà âm nhạc là một phần không thể tách rời trong chương trình học ở các trường Waldorf, nơi mà âm nhạc không đơn thuần là một môn học, mà còn hơn thế, trở thành một phần của sinh hoạt thường nhật. Nhạc tính được khơi gợi và gìn giữ bên trong mỗi đứa trẻ, mỗi con người, như là cách để giữ cho các em kết nối thiêng liêng với ngôi nhà thực thụ của linh hồn mình.

6. Y học Anthroposophy

Từ cuối những năm 1910, Steiner đã làm việc với các bác sĩ để tạo ra một cách tiếp cận mới cho y học. Y học Anthroposophy là một hệ thống điều trị đa phương thức tích hợp dựa trên sự hiểu biết toàn diện về con người và tự nhiên, về bệnh tật và phương pháp chữa bệnh. Mục đích của nó là hỗ trợ mọi người tìm ra con đường riêng của họ – trên mức độ cơ thể, linh hồn và tinh thần – đặc biệt trong những giai đoạn của cuộc đời khi họ bị bệnh và phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác. Các bác sĩ sẽ phối hợp với y tá và nhà trị liệu để hiện thực hóa nghệ thuật chữa bệnh từ tâm linh, tinh thần.

Y học Anthroposophy được tích hợp với y học truyền thống trong các bệnh viện lớn và các cơ sở y tế. Nó là sự kết hợp giữa: các loại thuốc có nguồn gốc từ tự nhiên; các liệu pháp nghệ thuật, liệu pháp eurythmy, xoa bóp nhịp nhàng; tư vấn, trị liệu tâm lý; các kỹ thuật điều dưỡng ngoại biên như chườm ngoài. Năm 1921, dưới sự hướng dẫn của Steiner, các dược sĩ và bác sĩ đã thành lập một công ty dược phẩm tên là Weleda, hiện phân phối các sản phẩm y tế tự nhiên trên toàn thế giới. Cùng lúc đó, Ita Wegman, cộng sự thân thiết của Steiner, cũng thành lập phòng khám Anthroposophy đầu tiên ở Arlesheim, Thụy Sĩ (nay được gọi là Ita Wegman Institut), nơi bà tiếp tục công việc của Steiner sau khi ông qua đời.

7. Nông nghiệp Biodynamic

Năm 1924, một nhóm nông dân lo ngại về tương lai của nông nghiệp đã yêu cầu sự giúp đỡ của Steiner; sau đó ông đã đáp lại lời thỉnh cầu của họ bằng một loạt bài giảng về nông nghiệp. Đây là nguồn gốc của nông nghiệp Biodynamic – hình thức canh tác hiện đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Khái niệm chính của các bài giảng này là cá thể hóa trang trại bằng cách biến trang trại thành một “thực thể sống” để có thể tự cung cấp tất cả các chất liệu cần thiết cho chính nó. Các khía cạnh khác của canh tác Biodynamic bao gồm các hoạt động mùa vụ như trồng trọt dựa theo chu kỳ chuyển động của mặt trăng và các hành tinh, và áp dụng các chế phẩm sinh học đã được xử lý theo những cách cụ thể để kết nối đất, đống ủ và cây trồng với các sinh vật và lực lượng phi vật chất (các lực lượng tâm linh vô hình). Steiner khuyến khích người nghe xác minh các đề xuất ấy một cách khoa học thông qua kinh nghiệm canh tác thực tiễn của mình, điều mà lúc sinh thời ông chưa thể thực nghiệm rốt ráo.

Steiner nhấn mạnh rằng việc áp dụng canh tác hóa học sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng. Chất lượng thực phẩm vào thời ấy xuống cấp rõ rệt, và ông tin rằng nguồn gốc của vấn đề là do phân bón và thuốc trừ sâu nhân tạo. Điều này không chỉ do các đặc tính hóa học hoặc sinh học liên quan, mà còn do những thiếu sót về mặt tâm linh trong toàn bộ phương thức canh tác dựa trên hóa chất. Steiner coi thế giới và mọi thứ trong đó đồng thời là vật chất và tinh thần, do đó cả hai khía cạnh cần được xem xét và hiểu rõ trong quá trình phát triển các kỹ thuật và quy trình mới cho nông nghiệp.

8. Đóng góp cho những đổi mới trong tôn giáo

Vào những năm 1920, Friedrich Rittelmeyer, một mục sư Luther lỗi lạc đang điều hành giáo đoàn ở Berlin, đã tiếp cận Rudolf Steiner và nhờ ông tư vấn một con đường để làm cho Cơ đốc giáo hiện đại hơn, gần gũi hơn. Sau đó nhiều mục sư Tin lành cũng đến gặp Steiner với mục đích tương tự. Steiner đưa ra lời khuyên về việc đổi mới các buổi lễ thánh, kết hợp giữa một bên là sự tập trung vào truyền thống thiêng liêng của Công giáo và một bên là sự tập trung vào tự do tư tưởng và mối quan hệ cá nhân với đời sống tôn giáo của Tin lành. Tuy nhiên, Steiner đã nói rõ rằng những đổi mới này là một cử chỉ cá nhân của riêng ông nhằm giúp đỡ cho một mục đích đúng đắn. Ông nhấn mạnh, đây không phải một phong trào của Khoa học tâm linh hay Anthroposophy mà là chí hướng của Rittelmeyer và các cộng sự với sự giúp đỡ và lời khuyên của Steiner. Sự khác biệt này rất quan trọng đối với Steiner bởi vì với ông, Anthroposophy là tâm linh dựa trên khoa học chứ không dựa trên niềm tin tôn giáo. Mặc dù vậy ông vẫn nhận lời giúp Rittelmeyer, bởi lẽ đối với những người muốn tìm kiếm những hình thức truyền thống hơn, việc đổi mới các tôn giáo truyền thống cũng là một nhu cầu sống còn của thời đại. 

9. Giáo dục Waldorf

Theo quan điểm của Steiner, giáo dục phải dành cho tất cả trẻ em bất kể khả năng chi trả của các gia đình. Ở cấp tiểu học và trung học, giáo dục nên được chi trả bằng các học bổng của tư nhân hoặc ch.ính phủ, và các gia đình có thể tự do lựa chọn trường học cũng như nền giáo dục phù hợp cho con em mình.

Giáo dục Waldorf được Steiner phát triển với nỗ lực thiết lập một hệ thống trường học tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cân bằng, toàn diện và sâu sắc của trẻ em. Mặc dù ông đã viết một cuốn sách về giáo dục, cuốn The Education of the Child in the Light of Anthroposophy (tạm dịch: Giáo dục trẻ em dưới ánh sáng của Anthroposophy) vào năm 1907, phải đợi 12 năm sau đó, Steiner mới có cơ hội mở ngôi trường đầu tiên theo lý tưởng của mình, đáp lại lời mời của Emil Molt, chủ sở hữu và giám đốc điều hành của Công ty Thuốc lá Waldorf-Astoria ở Stuttgart, Đức. Cái tên Waldorf chính là xuất phát từ tên nhà máy nơi trường học đầu tiên này ra đời. Trong năm đầu, trường vẫn hoạt động dưới danh nghĩa của công ty và tất cả giáo viên đều được khai báo là công nhân tại Waldorf Astoria. Bắt đầu từ năm thứ hai, trường đã có thể hoạt động với tư cách một ngôi trường độc lập.

Steiner đã làm rõ 04 điều kiện trước khi đồng ý mở trường theo lời mời của Emil Molt:
1. Trường này được mở cho tất cả trẻ em, bất phân giàu nghèo;
2. Trường phải để các trò nam và nữ học cùng nhau, không phân biệt giới tính;
3. Trường tổ chức học theo hệ 12 năm thống nhất;
4. Các giáo viên, những cá nhân thực sự tiếp xúc với trẻ em, phải là những người có quyền kiểm soát chính đối với hoạt động sư phạm của nhà trường, và sự can thiệp từ nh.à nước hay từ các nguồn lực kinh tế phải giữ ở mức tối thiểu.

Các trường Waldorf đặt mục tiêu “giáo dục con người toàn diện – cái đầu, trái tim và đôi tay” – nhằm phát triển trí tuệ, đời sống tình cảm và các kỹ năng thực tế một cách cân bằng hài hòa. Chương trình giảng dạy và phương pháp sư phạm trong các trường Waldorf tuân theo mô hình sư phạm của Steiner về sự phát triển thiêng liêng của trẻ em, của con người. Steiner tin rằng con người trải qua 03 giai đoạn phát triển riêng biệt, mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 07 năm và có những yêu cầu học hỏi khác nhau. Trong giai đoạn đầu (0-7 tuổi), việc học hỏi chủ yếu là dựa trên các giác quan và sự bắt chước. Trong 07 năm tiếp theo (7-14 tuổi), việc học tập diễn ra một cách tự nhiên thông qua trí tưởng tượng, đặc biệt là thông qua hoạt động nghệ thuật. Cuối cùng, ở tuổi vị thành niên (14-21 tuổi), khả năng tư duy trừu tượng và hình thành khái niệm mới phát triển mạnh mẽ và lúc ấy một người mới thực sự sẵn sàng đi tìm sự thật bên trong chính mình và bên ngoài thế giới.

Giáo dục Waldorf đánh giá cao nguồn gốc thiêng liêng của con người, và nhiều người thường liên tưởng nguồn gốc này với các tôn giáo. Hầu như tất cả các tôn giáo trên thế giới đều được đưa vào chương trình giảng dạy dưới hình thức các thần thoại hay nghiên cứu lịch sử văn hóa. Dù không tập trung nhấn mạnh giảng dạy tôn giáo nào cụ thể, các trường Waldorf vẫn thường cố gắng làm cho các tín ngưỡng và thực hành tôn giáo địa phương, đặc biệt là các lễ hội cổ truyền, trở nên sống động trong trường học (ví dụ, ở Israel là các lễ hội của người Do Thái, ở châu Âu nói chung là các lễ hội của Cơ đốc giáo, ở Ai Cập là các lễ hội của người Hồi giáo, ở Việt Nam là các lễ hội cổ truyền theo âm lịch, v.v…). Thông qua những lễ hội này, học sinh của mỗi quốc gia sẽ tìm hiểu sâu sắc và hiểu biết trọn vẹn hơn về truyền thống văn hóa và bản sắc của dân tộc mình. Truyền thống văn hóa và bản sắc của dân tộc là tính cá nhân ở góc độ rộng lớn hơn, chính vì vậy, giữ được bản sắc của dân tộc là giữ được bản sắc của chính mình. Phải giữ vững được bản sắc và hiểu rõ nguồn cội của mình mới có thể mở mang được bản thân mình. Đó chính là tiền đề quan trọng cho sự tiến hóa của con người, và thông qua đó chính là sự tiến hóa của tự nhiên.

thanh cherry

Thanh Cherry

Chủ tịch SWAVN

Thạc sĩ Giáo dục Mầm non tại Đại học Western Sydney, Úc

Hơn 40 năm kinh nghiệm trong giáo dục mầm non Steiner – Waldorf.

Từng làm Tổng  điều phối cho Chương trình Đào tạo và Cố vấn chuyên môn Giáo viên Mầm non tại Trung Quốc (WECC), và hiện đang là Cố vấn tổng quát cho WECC

Cố vấn tổng quát cho các khóa đào tạo và cố vấn chuyên môn Giáo viên tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay.