Cảm nhận của học viên sau Workshop Eurythmy 02 ngày tại Đà Nẵng

02 ngày học Eurythmy: Đủ hay không đủ?

Mình vốn dĩ không thích tham gia các workshop ngắn ngày vì có “định kiến” là ít ngày như vậy thì cũng không thấm thía vào đâu cả. Lần này vì được tặng một vé workshop 02 ngày học Eurythmy, không muốn phụ lòng người tặng cộng với lòng ham thích triết lý của giáo dục Waldorf nên mình đã đồng ý tham gia thử xem sao.

Giờ thì mình nhận ra đó là một quyết định đúng đắn, và cũng là một mối duyên tốt đẹp đối với mình.

Mình muốn chia sẻ những điều khiến mình rung động, những gì đã thực sự chạm đến trái tim mình, để có thể tiếp tục dòng chảy mà mình đã được hòa vào trong 02 ngày cùng Eurythmy, cùng thầy Adam và các bạn học yêu quý.

🌱 Cốt tủy không nằm ở “làm gì”

Mình đã luôn sợ…quên bài. Vào ngày học đầu tiên, giờ nghỉ giải lao nào mình cũng lân la hỏi các bạn xung quanh là các bạn còn nhớ động tác không, có thể tập lại với mình cho…thuộc lòng không? Nhưng sang ngày thứ hai, mình đã không còn nhu cầu học thuộc bất cứ cái gì nữa. Một phần vì hầu hết các động tác thực ra đều rất đơn giản, đến em bé mẫu giáo còn học theo được, nhưng phần quan trọng hơn là vì mình nhận ra rằng cốt tủy của Eurythmy không hẳn nằm ở chuyện “làm gì”, mà có một điều gì đó sâu sắc hơn thế. Thả lỏng. Nhiệt thành. Vui vẻ. Như thầy Adam nói, “tôi không hoàn hảo, tôi cũng mắc lỗi, vậy thì các bạn cứ để bản thân mắc lỗi cũng không sao cả. Quan trọng là chúng ta luôn muốn thử, thử thêm một lần nữa. Chính sự không hoàn hảo và lòng tò mò muốn thử khám phá mình có thể làm tốt hơn ra sao mới là điều giúp chúng ta tỏa sáng. Sự hoàn hảo như những hình khối chết, chúng ta không thể tỏa sáng từ đó được đâu”, “hãy thử cho đến khi chúng ta nhận ra mọi thứ đều đơn giản, không có gì phức tạp cả. Cứ thả lỏng và để cho dòng chảy tự nhiên dẫn dắt chúng ta”.

Lúc thầy nói rằng lòng nhiệt thành mới là điều kết nối mỗi người với Cái-Cao-Cả-Hơn, mình đã rất xúc động. Không phải là sự nỗ lực để trở nên hoàn hảo, không phải là sự căng thẳng làm sao để không mắc lỗi, mà chính lòng nhiệt thành mới có thể giúp mình như một chữ I (tôi đứng đây, hiện diện giữa đất trời, với cả phần ánh sáng và bóng tối của tôi, trái tim tôi là trung tâm kết nối), một chữ A (tôi tin tưởng mở lòng mình ra thế giới và để thế giới tìm đến tôi, tôi tin tưởng chấp nhận và đón lấy số phận mình đã lựa chọn), một chữ O (tôi đem hơi ấm và tình thương của mình ôm lấy thế giới trong tôi và ngoài tôi), một chữ E (tôi thiết lập ranh giới rõ ràng để có thể ý thức rõ ràng về bản thân mình, và không bị hỗn loạn trong khi tiếp chạm với thế giới). Mình đã khóc khi thấy lòng nhiệt thành với cuộc sống dâng đầy trong tim mình, và chính điều ấy đưa mình trở lại với dòng chảy nội tại vốn luôn lặng lẽ chảy trôi dù có khi mình đi lạc khỏi đó. Những chuyển động giản đơn vô cùng mà cũng kỳ diệu vô cùng, thật sự đã “chạm” đến mình sâu sắc và dịu dàng quá đỗi.

🌱 Nụ cười đến từ đâu?

Mình ngại tiếp xúc với người lạ, và cực kỳ ngại “eye contact” (giao tiếp bằng ánh mắt). Vậy mà trong ngày học thứ hai, chính mình đã chủ động nói với bạn bên cạnh “Lúc chúng mình “gặp” thì hai chị em mình nhìn nhau nhé chị”. Mình đã ngạc nhiên và thích thú biết bao với chính mình. Khi nhìn vào mắt các bạn xung quanh, mình thấy ai nấy đều cười, cười trên môi và cười cả ở trong ánh mắt. Mình đã nhận ra rằng nụ cười ấy không đến từ ràng buộc “phải hòa nhập”, mà ngược lại, nó đến khi mọi căng thẳng và nỗ lực đều tự nhiên rơi xuống, được rũ bỏ nhẹ nhàng như thể tất cả chúng mình chưa từng phải đeo mang những áp lực như vậy. Mình nhớ có một cô học viên đã chia sẻ, đại ý là từ nhỏ trong người cô đã có một dòng chảy khiến cô muốn nhảy múa, nhưng cô không múa được, không biết múa thế nào. Đến nay cô đã U60 mới biết đến Eurythmy, cô không ngờ mình có thể múa đẹp như vậy, mà chỉ học trong 02 ngày thôi! Chia sẻ của cô giúp mình nhận thấy rằng cũng có một “dòng chảy” như thế tồn tại ở trong mình, nhưng bấy lâu nay mình cũng chẳng thể kết nối được với nó. Có lẽ cũng như cô, mình và nhiều bạn khác đã có thể gỡ bỏ rất nhiều “hòn đá tảng” ngăn trở và tìm về với dòng chảy nội tại của bản thân trong các chuyển động của Eurythmy.

Mình vẫn nhớ trong ngày đầu tiên, lúc nào thực hiện động tác chuyển động lùi mình cũng canh cánh ngoái đầu hoặc liếc nhìn ra sau để tránh không đụng phải bạn khác, không “làm méo” đội hình. Thầy bảo không cần đâu, các bạn hãy cứ nhìn thẳng, bình thường các bạn bước đi với trọng tâm đặt ở hông, giờ thì hãy bước đi và nhớ rằng trọng tâm của các bạn nằm ở trái tim các bạn. Thầy còn bảo rằng các bạn ở phía sau, khi thấy bạn mình ở phía trước bước lùi thì hãy “guide” (hướng dẫn) cho bạn mình. Vậy là mình và mọi người đều nhìn thẳng, bước tới, bước lùi, đều yên tâm nhìn thẳng về phía trước. Luôn có một bàn tay sẵn sàng đón lấy và hướng dẫn chúng mình “yên tâm bước lùi, mắt luôn nhìn thẳng”. Chúng mình đón nhận và giúp đỡ cho nhau, để mỗi người không ai cần lo lắng bản thân bước sai, làm xấu đội hình. Dần dần khi đã thả lỏng đủ để hòa vào dòng chảy của riêng mình và của tập thể, không ai còn cần bạn phía sau mình hướng dẫn mới có thể bước vào đúng vị trí nữa! Đơn giản vậy thôi mà khi nhớ lại mình luôn thấy xúc động. Mình và các bạn đều đã cười theo một cách rất khác, không còn là “thở phào nhẹ nhõm, may quá mình không làm sai”, mà mọi người đều đã cười rất sảng khoái, rất vô tư. Mình tin rằng tất cả những người bạn tham gia workshop đó đều đồng cảm với mình rằng niềm vui này, tuy khó giải thích bằng lời, nhưng luôn có thể lan tỏa rất tự nhiên từ trái tim mình đến trái tim người khác.

🌱 Hãy luyện tập, bạn sẽ trở nên có thể

Sự luyện tập mà thầy Adam nói, mình hiểu nó không chỉ nằm ở luyện tập các động tác, mà ở việc chúng ta luôn ý thức nhắc nhở chính mình: khi tôi làm thế này thì tôi có thấy cơ thể mình bị lệch bên nào không? Chúng ta luôn bị lệch về một hướng nào đó: bên trái, bên phải, trên cao, dưới thấp. Nhưng đó không phải là tình trạng cố hữu của chúng ta, và chúng ta luôn có thể tự nhắc nhở để đưa cơ thể và nội tâm mình cân bằng trở lại. Các động tác Eurythmy mà thầy Adam hướng dẫn đều rất đơn giản, nhưng quan trọng là phải thực sự hiện diện với thực tại thì mới nhận ra được bản thân mình đang như thế nào. Cả lớp không ai nhịn được cười khi thầy mô tả lại nét mặt…vô cùng nghiêm trọng của mọi người khi thực hiện các động tác. Thầy bảo: các bạn hãy xem mỗi chuyển động như một hành trình: hành trình từ sự co cụm, chúng ta mở rộng ra, vươn cao lên, và ngược lại, từ chỗ đang vươn mình ra, chúng ta dần dần trở về lại… Các bạn hãy thử khám phá xem, trong hành trình đó, mình như thế nào? Khi cơ thể các bạn căng thẳng ở bất cứ điểm nào (lệch khỏi trọng tâm), các bạn không thể đứng và chuyển động vững vàng được, hoặc có thể nhưng rất không thoải mái, vậy nên hãy tự nhắc mình thả lỏng, và chỉ cần có ý thức đưa cơ thể về cân bằng, thì chúng ta luôn có thể cân bằng. Cân bằng là trạng thái tự nhiên của chúng ta, nhưng chúng ta cần luyện tập để nhớ lại trạng thái tự nhiên ấy của mình.

Mình rất thích thú khi thấy lúc kết thúc mỗi động tác, thầy Adam đều áp hai bàn tay lên ngực và nói “Home” (Nhà). Mình làm theo và cảm thấy khi làm như thế, năng lượng của mình như được “làm mới” lại, và dù động tác trước đó có thực hiện ra sao, mình luôn có thể tươi mới để thực hiện động tác tiếp theo. Khi về “Nhà” và từ “Nhà” bước ra, mình rũ bỏ được hết những sợ hãi, dè dặt, sai lệch trước đó để đến với điều tiếp theo trong một tâm thái đầy cởi mở, vui vẻ, và thật sự nhẹ nhõm. Mình chưa hiểu được hết những điều sâu sắc còn ẩn chứa trong từng động tác (như thầy Adam nói thì “mỗi chuyển động trong Eurythmy đều là một kết nối thiêng liêng với thế giới vô hình cao cả mà từ đó chúng ta bước vào thế giới hiện hữu này”), nhưng mình biết rằng chỉ cần dấn bước với lòng nhiệt thành, thì tri thức sẽ tự nhiên tìm đến và bừng nở trong mình mà không cần phải nặng lòng suy nghĩ quá nhiều, đúng như thầy đã dặn dò cả lớp: Các bạn hãy ra khỏi đây (chỉ vào đầu) và ở đây nhiều hơn (chỉ vào tim). Nó sẽ dẫn đường cho các bạn, nó là trung tâm của tất cả chúng ta.

🌱Kết:

Từ khi bước ra khỏi workshop của thầy Adam, mình đã luôn luyện tập: luyện tập quan sát cơ thể, lắng nghe nội tâm, luyện tập cân bằng trở lại. Từ sự luyện tập ấy mà dần dần lòng nhiệt thành nảy nở trong mình rất tự nhiên: lòng nhiệt thành khám phá chính mình, khám phá xem “điều gì sẽ đến với tôi tiếp theo đây?”, “tôi sẽ đón nhận điều ấy ra sao?”, “tôi có thể trao tặng thế giới điều gì vào ngay lúc này?”. Thầy Adam đã nói rằng Eurythmy chính là cuộc sống của thầy, nó đã cứu sống thầy và giúp thầy chuyển hóa những tổn thương sâu thẳm trong tim. Vậy Eurythmy có thể giúp mình chuyển hóa những sang chấn và tổn thương bên trong mình hay không? Thành thực mà nói, 02 ngày học là KHÔNG ĐỦ để giúp mình trả lời câu hỏi đó. Nhưng để khơi dậy lòng nhiệt thành khi bước tiếp vào cuộc sống, vào số phận mà bản thân mình đã lựa chọn, thì mình muốn nói rằng Eurythmy đã cho mình rất ĐỦ.

Mình xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thầy Adam Chan, đến ban tổ chức và những người bạn đã hiện diện cùng mình trong suốt 02 ngày học đầy ý nghĩa. Mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ luôn có cách để tìm về với dòng chảy nội tại của mình, để kết nối với bản thân và với người khác chân thực, trọn vẹn và vui tươi.

🥰 Các bạn mến,

Sau workshop Eurythmy 02 ngày tại Đà Nẵng, Ban tổ chức rất xúc động khi nhận được những cảm nhận chân thành từ các học viên tham gia. Chúng tôi gửi lời cảm ơn bạn Quỳnh Anh đã đồng ý để chúng tôi đăng tải và chia sẻ bài cảm nhận của bạn. Mong rằng chúng ta sẽ được gặp gỡ nhiều hơn cùng Eurythmy trong thời gian sắp tới.

thanh cherry

Thanh Cherry

Chủ tịch SWAVN

Thạc sĩ Giáo dục Mầm non tại Đại học Western Sydney, Úc

Hơn 40 năm kinh nghiệm trong giáo dục mầm non Steiner – Waldorf.

Từng làm Tổng  điều phối cho Chương trình Đào tạo và Cố vấn chuyên môn Giáo viên Mầm non tại Trung Quốc (WECC), và hiện đang là Cố vấn tổng quát cho WECC

Cố vấn tổng quát cho các khóa đào tạo và cố vấn chuyên môn Giáo viên tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay.